Tưởng niệm Động_đất_và_sóng_thần_Ấn_Độ_Dương_2004

Ngày 24 tháng 12 năm 2009, khắp châu Á người dân tưởng niệm trận động đất. Một ngày cầu nguyện và tưởng nhớ long trọng để đánh dấu một trong những thiên tai tệ hại nhất của thế giới được tổ chức tại tỉnh Aceh của Indonesia, nơi mất mát khoảng 170.000 người. Những buổi cầu nguyện được tổ chức tại các giáo đường trên khắp tỉnh phần lớn là người Hồi giáo này, và cạnh những nấm mồ tập thể gần thủ phủ Banda Aceh của tỉnh. Tại một trong số các ngôi mộ tập thể, nơi chôn cất hơn 14.000 nạn nhân không được xác nhận lý lịch, một bà cụ ngồi trên mặt đất vừa khóc vừa đọc những lời kinh Koran cho 40 người trong gia đình cụ đã thiệt mạng. "Không có ai trong gia đình tôi sống sót trong trận sóng thần. Các con, các cháu, anh chị em tôi, tất cả đều ra đi bỏ lại tôi một mình ở đây," Siti Aminah, 72 tuổi, nói với thông tấn xã AFP. "Ðây là ngôi mộ tập thể nằm gần những khu nhà của chúng tôi. Họ có thể được chôn ở đây hoặc có thể đã bị nước cuốn ra biển vì chúng tôi sống cạnh bãi biển. Mặc dù tôi không biết chắc nơi họ được chôn cất, tôi luôn luôn tới đây mỗi năm để cầu nguyện cho họ để họ được yên nghỉ."[34]

Phó Tổng thống Indonesia Boediono cầm đầu một lễ cầu nguyện cách đó hai kilômét tại hải cảng Ulee Lheu, để tưởng niệm những người đã mất. "Năm năm sau, người dân Aceh với sự trợ giúp của các cộng đồng quốc tế đã tìm cách vươn lên trở lại và khởi sự tái xây dựng đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa của họ trong một khung cảnh hòa bình," ông nói với khoảng 1.000 cư dân, học sinh và các viên chức.[35]

Tại Sri Lanka, Tổng thống Mahinda Rajapakse mở đầu những buổi lễ tưởng niệm bằng hai phút im lặng cho các nạn nhân sóng thần. Các đài truyền thanh và truyền hình ngưng phát trong hai phút vào lúc 9 giờ 25 phút sáng giờ địa phương, trùng với giờ mà cơn sóng thần ập lên những vùng bờ biển phía Nam của hòn đảo. Những buổi lễ tôn giáo cũng được tổ chức trên khắp hòn đảo để tưởng niệm khoảng 31.000 người thiệt mạng năm năm về trước. Những lễ tưởng niệm ít rầm rộ cũng được tổ chức tại miền Nam Ấn Ðộ, nơi hứng chịu vụ thiên tai nặng nề nhất trong nước, với khoảng 6.500 người chết. Trên các hòn đảo AndamanNicobar của Ấn Ðộ, những buổi cầu nguyện chung của nhiều tôn giáo được tổ chức tại thủ phủ Port Blair của quần đảo cho khoảng 4.000 người bị sóng thần giết chết trên dãy đảo.[36]

Tại Thái Lan, nơi sóng thần giết chết 5.395 người, theo một con số chính thức, các buổi lễ được tổ chức trên bãi biển ở Phang Nga trên duyên hải phía Tây, là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, và trên địa điểm du lịch Phuket ở phía Nam. Theo cảnh sát, khoảng 1.000 người Thái và người ngoại quốc tham dự buổi lễ tại Ban Namkhem ở Phang Nga sáng ngày 26 tháng 12 năm 2009, trong khi khoảng 200 người tụ tập trên bãi biển PatongPhuket để cầu nguyện và chứng kiến việc đặt các vòng hoa tưởng niệm.[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Động_đất_và_sóng_thần_Ấn_Độ_Dương_2004 http://www.smh.com.au/specials/tsunami/ http://www.abc.net.au/news/newsitems/200501/s12757... http://english.people.com.cn/200501/13/eng20050113... http://nebuchadnezzarwoollyd.blogspot.com/2009/12/... http://www.cbsnews.com/stories/2005/02/21/earlysho... http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapac... http://www.chrisvalentines.com/projects/tsunami.ht... http://edition.cnn.com/2005/TECH/science/05/19/sum... http://edition.cnn.com/SPECIALS/2004/tsunami.disas... http://edition.cnn.com/SPECIALS/2005/tsunami.oneye...